Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường mà còn tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước. Chi phí xử lý môi trường, khắc phục hậu quả do ô nhiễm là rất lớn. Ước tính mỗi năm nước ta mất khoảng 5 -10 %GDP để chi trả các khoản phí này.
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề toàn quốc
Ô nhiễm không khí được xem là “kẻ giết người thầm lặng” khiến hơn 600 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hằng năm. Ngoài ra hơn 19% ca tử vong bệnh tim mạch, 24% số ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% số ca tử vong do đột quỵ, 23% số ca tử vong do ung thư đều liên quan đến ô nhiễm không khí. Ở mức độ cấp tính, không khí ô nhiễm thường gây suy nhược, chóng mặt, co giật, ngất, mệt mỏi, uể oải, hôn mê,… Trong tình trạng mạn tính, không khí xung quanh có khả năng gây ung thư phổi cao.
Nhìn chung, ô nhiễm không khí ở Việt Nam xuất phát từ hoạt động giao thông, công nghiệp và các hoạt động dân sinh. Chẳng hạn ở TP. HCM có hơn 600 ngàn ô tô, 7,5 triệu xe máy, 16 KCN cùng với hàng nghìn nhà máy, xưởng sản xuất, xí nghiệp. Do đó mà thành phố đang đối mặt với các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là tại các nút giao thông trong giờ cao điểm.
Hoạt động giao thông phát sinh 99% CO. Loại khí này không mùi, không màu, dễ cháy, độc tính cao. Tiếp xúc với hàm lượng CO lớn dẫn tới làm tổn thương và giảm oxy trong máu, tổn thương hệ thần kinh hoặc gây tử vong. Chỉ cần nồng độ 0,1% cacbon monoxit cũng nguy hiểm đến tính mạng. Mặc khác, các hoạt động của doanh nghiệp sử dụng nguồn nhiên liệu như khí hóa lỏng, dầu FO, DO, củi gỗ, củi trấu làm phát thải nhiều loại khí độc hại như NOx, CO, SO2, TSP với hàm lượng khá cao.
Doanh nghiệp lo ngại ô nhiễm không khí tại Việt Nam
Thực trạng suy thoái môi trường và ô nhiễm không khí
Trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội ngày 10/01/2020 lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho rằng môi trường suy thoái vì không có cách xử lý khí thải, xử lý nước thải công nghiệp là vấn đề lo ngại nhất.
Chỉ đến hết năm 2019, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội xếp hạng ở mức nguy hại nhất, ở TP. HCM thì xếp ở vị trí thứ 3. Hiện trạng không khí đô thị ô nhiễm từ khí thải xe máy, ô tô; ở nông thôn là hệ quả của tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch. Do đó mà ô nhiễm không khí kéo dài khiến suy giảm giá trị đầu tư từ các công ty nước ngoài Việt Nam.
Nhiều khu vực, địa phương của nước ta đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trong khi đó chưa có kế hoạch phát triển bền vững về quản lý sử dụng năng lượng, giảm lượng phát thải khí cacbon, giảm phát thải, quản lý chất thải, quản lý các phương tiện giao thông,… đang tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
Cần ưu tiên và đặt mục tiêu hành động đưa sức khỏe gắn liền với phát triển công nghiệp tham gia vào công tác cải thiện môi trường đang bị suy thoái do tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh. Song song, cơ quan nhà nước cần thực hiện và tăng cường quy định một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả và thúc đẩy thực hiện các công trình bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm.
Cần học hỏi kinh nghiệm trong việc thay đổi bức tranh kinh tế bằng việc thay đổi diện mạo môi trường của nước Nhật. Trong thời kỳ từ năm 1960 – 1970, là thời kỳ tăng trưởng cao của Nhật Bản với tỷ lệ xấp xỉ 8%/năm. Tuy nhiên vì ưu tiên quá mức vào phát triển kinh tế mà Nhật Bản không xem xét, đánh giá cụ thể biện pháp đối phó với nguồn tác động đến môi trường. Sau khi chứng kiến hậu quả nặng nề từ ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm và suy thoái không khí khiến cả xã hội Nhật Bản phản ứng dữ dội và buộc Chính phủ phải sửa đổi “Đạo luật kiểm soát ô nhiễm môi trường”.
Phải thực hiện quan trắc bụi, khí thải định kỳ
Đối với các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng khí thải 5.000 m3 khí thải/giờ trở lên bắt buộc thực hiện quan trắc bụi, khí thải định kỳ với tần suất 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần. Việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải để đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về khí thải.
Khi bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải rà soát lại hệ thống xử lý khí thải, thiết bị xử lý bụi. Doanh nghiệp phải cải tạo, nâng cấp hệ thống, thiết bị xử lý bụi, khí thải bảo đảm đạt chuẩn trước khi thải ra ngoài môi trường.
Các đối tượng bắt buộc thực hiện quan trắc gồm dự án, cơ sở thuộc danh mục các nguồn thải có lưu lượng lớn, các lò đốt CTNH, lò đốt chất thải của cơ sở xử lý CTR tập trung, khí thải từ cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ sở xả thải vi phạm hành vi xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật tái phạm nhiều lần. Các đối tượng này phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, phải lắp đặt camera theo dõi, truyền dữ liệu liên tục đến Sở TNMT theo quy định.