Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý rác thải nông thôn. Đây là bài toán nan giải trong nhiều năm qua mà nhiều địa phương vẫn đang loay hoay tìm giải pháp xử lý triệt để.
Công tác xử lý môi trường tại một số địa phương vẫn gặp không ít thách thức bởi tình trạng xả rác bừa bãi của người dân.
Khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn
Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang cho biết mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 202 tấn rác thải/năm. Dự kiến đến năm 2025 lượng rác thải tăng lên 285 tấn/ngày thì tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn đạt 30% (khoảng 60,6 tấn/ngày).
Mặc dù có đến 11 đơn vị thu gom, vận chuyển CTR khu vực nông thôn nhưng vì thiếu phương tiện, thời gian không đồng nhất nên còn tồn đọng lượng lớn rác thải tại các khu vực dân cư.
Đáng chú ý thời gian tập kết rác từ 2 – 5 ngày, tập trung tại các điểm giao thông chính hoặc mặt đường xã không che đậy vừa gây ô nhiễm môi trường vừa làm mất thẩm mỹ cảnh quan địa phương.
Ở Nghệ An cũng không ngoại lệ, khi có đến 900 tấn rác thải ra mỗi ngày nhưng vẫn chưa được phân loại rõ ràng nên nhiều chất thải phân hủy bốc mùi hôi thối. Tại các khu vực nông thôn còn tiếp diễn tình trạng xả rác ra đường, chợ, các nơi công cộng, khu vui chơi mà chưa có giải pháp hoặc chưa xử phạt mang tính răn đe.
Tương tự ở khu vực nông thôn tỉnh Điện Biên phát sinh CTR sinh hoạt khoảng 205,58 tấn/ngày và tỷ lệ thu gom chỉ đạt 19,83% trên tổng lượng rác thải phát sinh. Trong đó có đến 4,5 tấn rác thải có nguồn gốc là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Dường như chúng ta đã quá quen thuộc với những câu chuyện xoay quanh rác thải sinh hoạt, chất thải rắn khu vực nông thôn. Với những áp lực về kinh tế, đời sống và nhu cầu sống gây ra nhiều sức ép đối với môi trường làm giảm chất lượng sống của người dân. Bộ TNMT thống kê ở khu vực nông thôn phát sinh chất thải sinh hoạt khoảng 32.000 tấn/ngày nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt 40 – 50%.
Những hạn chế trong xử lý rác thải sinh hoạt
Theo Bộ TNMT, chỉ có khoảng 75% lượng rác sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, 16% được xử lý tại nhà máy sản xuất phân compost và 13% xử lý bằng phương pháp đốt có hệ thống xử lý khí thải lò đốt. Hầu như công nghệ xử lý chất thải tại vùng nông thôn còn gặp nhiều hạn chế và chưa giải quyết triệt để vấn đề tại các địa phương.
Một số lò đốt cỡ nhỏ tại các vùng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu Quy chuẩn kỹ thuật về đốt CTR sinh hoạt, không trang bị công nghệ xử lý khí thải lò đốt rác hoặc hoạt động không đạt yêu cầu. Còn một số lò đốt khác đáp ứng tiêu chuẩn nhưng vẫn chưa đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Do đó mà nhiều cơ quan không kiểm soát được lượng chất thải phát sinh, đặc biệt là hàm lượng dioxin/Furan khá nhiều.
Nhiều khu vực thôn, xã chưa có kế hoạch quy hoạch rõ ràng, chưa xây dựng điểm tập kết chôn lấp rác thải mà đa phần đều tự phát vì thế những điểm này có nguy cơ trở thành điểm nóng về ô nhiễm.
Môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm với nhiều nguyên nhân do hệ thống hạ tầng xử lý chất thải chưa được đầu tư đúng quy định, việc ứng dụng khoa học – công nghệ còn nhiều hạn chế, nhận thức của người dân chưa cao nhất là ý thức về BVMT còn thấp cùng cách quản lý của các cơ quan quản lý làng nghề chưa thật sự tốt.
Tăng cường các biện pháp xử lý dứt điểm rác thải nông thôn
Tại các địa phương cần tổ chức các đơn vị BVMT, nâng cao nhận thức của người dân và tổ chức BVMT trong chăn nuôi, sản xuất nhằm thay đổi hành vi của người dân góp phần gìn giữ môi trường xanh, sạch hơn. Xây dựng nhiều quy chế quản lý phù hợp với các điều kiện thực tiễn và đồng bộ hóa công tác quản lý kỹ thuật trong việc phân loại rác thải và xử lý nước thải sinh hoạt. Các chất thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và rác dễ phân hủy.
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, rà soát mô hình BVMT, nhân rộng các mô hình thân thiện, triển khai xây dựng nhiều mô hình mới chú trọng lồng ghép với việc phát triển kinh tế xã hội. Khuyến khích phát triển dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần dân cư.
Với giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ thật sự rất cần thiết ở khu vực nông thôn. Điều này giúp hạn chế lượng rác thải để tập trung thu gom, xử lý và tái sử dụng làm phân bón. Đối với chất thải sinh hoạt cần được phân loại tại chỗ, lên phương án xử lý bằng công nghệ đơn giản, dễ áp dụng với chi phí đầu tư thấp phù hợp với điều kiện sống của người dân.