Đà Nẵng tập trung xử lý ô nhiễm nguồn nước

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực sông, kênh mương tại Đà Nẵng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Làm sao để xử lý hiện trạng này? Đây là bài toán mà UBND thành phố đang tập trung khắc phục, đề xuất biện pháp tốt nhất để xử lý.

Ô nhiễm nguồn nước tại kênh Phần Lăng và kênh Hồng Thái – Tân Trào

Trước đó sau trận mưa lớn, tuyến kênh hở dọc đường Hồng Thái – Tân Trào xuất hiện lớp váng màu đen nổi lên trên và có nhiều vết dầu loang. Nghi ngờ đó là dầu nhớt, người dân phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng đã phản ánh và kiến nghị lên chính quyền địa phương sớm vào cuộc kiểm tra và xử lý môi trường.

Sau khi nhận được sự phản ánh của người dân, Sở TNMT tiến hành kiểm tra thực tế tuyến kênh dọc đường Hồng Thái và Tân Trào với nhiều váng màu đen nổi trên mặt nước.

Với nhiều lớp váng dầu nổi lên trên mặt nước, Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng mời Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cùng các chuyên gia khác kiểm tra thực tế tuyến kênh từ thượng lưu cống hộp dọc đường Yên Thế và Bắc Sơn đến hồ Trung Nghĩa 2 (hạ lưu tuyến kênh dọc đường Hồng Thái và Tân Trào).

Sau khi có kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng cho rằng bùn yếm khí ở tuyến cống hộp dọc đường Yên Thế và Bắc Sơn kết hợp cùng tảo chết hàng loạt theo nước mưa chảy tràn lên mặt kênh nên lớp váng màu đen không phải là dầu nhớt.

Đồng thời tiến hành lấy 3 mẫu nước thượng lưu tuyến kênh dọc đường Yên Thế và bắc Sơn, giữa kênh Hồng Thái và Tân Trào và vị trí chảy vào hồ Trung Nghĩa 2 để lấy số liệu quan trắc.

Đà Nẵng tập trung xử lý ô nhiễm nguồn nước
Đà Nẵng tập trung xử lý ô nhiễm nguồn nước

Chất lượng nước tại tuyến kênh Hồng Thái – Tân Trào có nồng độ oxy hòa tan thấp hơn quy chuẩn cho phép, tổng chất rắn hòa tan cao gấp 157,44 lần; COD cao gấp 1,67 – 70,93 lần; tổng NH4+ cao 12,56 – 13,67 lần, photphoat cao gấp 3,67 – 9 lần; dầu mỡ cao gấp 4,8 lần.

Tại khu vực này chưa có hoạt động thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trước khi chảy vào kênh. Nước thải này cũng theo dòng nước chảy xuống, tích tụ một phần ở hồ Trung Nghĩa 2.

Sở TNMT đề nghị UBND thành phố giao Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải tại Đà Nẵng tăng cường công tác vệ sinh, thường xuyên vớt bùn nổi lên kênh Hồng Thái – Tân Trào, hồ Trung Nghĩa 1 và 2. Đồng thời Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng khẩn trương thi công hoàn thành tuyến ống thu gom nước thải dọc tuyến kênh Hồng Thái – Tân Trào.

Nước thải tràn ra sông Hàn gây ô nhiễm nguồn nước

Trong thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng nhận được nhiều sự phản ánh từ phía người dân vì phát hiện đoạn sông Hàn dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý (quận Hải Châu) đổi màu đen và bốc mùi hôi thối khó chịu.

Theo đó thủ phạm khiến nguồn nước thay đổi bất thường được cho là phát sinh từ khu vực Đảo Xanh (nơi có nhiều biệt thự, nhà hàng, tiệc cưới) hoạt động đặt ống xả thải ra sông Hàn. Vì các đơn vị chưa chủ động xử lý nước thải nên quanh khu vực cống xả thải còn nhiều vệt nước màu đen.

Sở TNMT Đà Nẵng tiến hành kiểm tra thực tế và lấy mẫu nước phân tích. Thông qua kết quả phân tích chất lượng nước tại cửa xả dưới chân cầu Trần Thị Lý phát hiện mật độ vi sinh (Coliform) cao gấp 8 lần so với quy chuẩn cho phép.

Sở Xây dựng cho biết do hệ thống thu gom nước thải trên đường 2-9 bị xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên tắc nghẽn do rác thải, công tác nạo vét chưa được triển khai nên nước thải khi chảy vào tuyến cống số 1 sẽ tràn qua cửa xả sông Hàn.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hồ Trung Nghĩa

Các kênh, rạch ô nhiễm tại Đà Nẵng đã trở thành đề tài quá quen thuộc đối với xã hội, đáng chú ý là thực trạng hồ Trung Nghĩa đang bị ô nhiễm. Mặc dù là hồ nước điều hòa nhưng hồ Trung Nghĩa vẫn không “thoát”  khỏi bóng dáng của những bãi rác lâu năm, nước thải sinh hoạt đến nước thải từ các cơ sở sản xuất, cơ sở sửa chữa xe ô tô là nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng môi trường và cảnh quan nơi đây.

Nằm trên khu phố Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, hồ này có diện tích hàng nghìn mét vuông nhưng chưa một lần cải tạo khiến mặt nước hồ thường xuyên nhếch nhác và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Ý thức BVMT của người dân chưa cao nên thường xuyên đổ rác, xà bần, xác động vật bốc mùi hôi thối.

Đối với chất lượng nước tại hồ Trung Nghĩa có nồng độ oxy hòa tan thấp, TSS cao gấp 1,58 lần, COD cao gấp 2,67 lần, NH4+ cao 11,67 lần, photphat cao gấp 4,33 lần. Bên cạnh đó, hồ còn có sự xuất hiện của một số loài tảo lam và tảo mắt. Nếu chúng phát triển quá nhanh và nở hoa rất dễ làm chết cá và các loài thủy sản khác.

Cá chết trắng trên hồ Trung Nghĩa là một trong những tác hại lớn khi mức độ ô nhiễm ngày càng lan rộng. Dọc các tuyến đường Hoàng Thị Loan, Nam Trân và Nguyễn Tường Phổ cá chết làm phát sinh mùi hôi nồng nặc. Nhất là sau những trận mưa lớn mùi hôi bốc lên nồng nặc hơn, cá chết trắng, nổi xếp lớp trên mặt hồ khiến không ít người phải rùng mình.